[CPB] Báo cáo về tình hình hoạt động trong 8 tháng đầu năm 2019 của ngành công nghiệp và thương mại theo bộ Công Thương: tiếp tục có xu hướng tăng trưởng khá…
Tình hình kinh tế – xã hội trong nước 8 tháng đầu năm 2019 tiếp tục chuyển biến tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo.
Theo Báo cáo của Bộ Công Thương, tình hình sản xuất công nghiệp tiếp tục có xu hướng tăng trưởng khá. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng 5,4% so với tháng trước và 10,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong 8 tháng đầu năm, IIP ước tính tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành có chỉ số sản xuất 8 tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước, đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp. Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 8 tháng năm nay tăng cao so với cùng kỳ năm trước: sản phẩm bia các loại và ô tô cũng tăng 10,7%.

Trong tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2019, sản xuất kinh doanh của ngành cơ bản ổn định. Tính chung 8 tháng đầu năm 2019, chỉ số sản xuất duy trì mức tăng trưởng khá (tăng 10,2% so với cùng kỳ). Về sản xuất, sản lượng bia các loại tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2018.
Hoạt động xuất khẩu – nhập khẩu
So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 8 tăng 4,5%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 14%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 0,9%. Tính chung 8 tháng năm 2019, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 169,98 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2018. Đáng chú ý, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu 8 tháng của khu vực kinh tế trong nước tăng 13,9% (đạt 52,04 tỷ USD), cao hơn nhiều tốc độ tăng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Khối doanh nghiệp trong nước tiếp tục là điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2019, với mức tăng 13,9%, cao gần gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng chung và cao hơn đáng kể so với tốc độ tăng trưởng của khối doanh nghiệp FDI.
Trong 8 tháng có 26 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm tới 89,5% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó điện thoại và linh kiện có giá trị xuất khẩu lớn nhất đạt 33 tỷ USD, chiếm 19,4% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong 8 tháng đầu năm 2019, nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục có vai trò đóng góp chính vào tăng trưởng xuất khẩu chung, chiếm 83,9% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước.

Trong 8 tháng năm 2019, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch đạt 38,6 tỷ USD, tăng 25,3% so với cùng kỳ năm trước. Tất cả các nhóm thị trường mà Việt Nam có ký kết FTA và đang thực thi đều ghi nhận tăng trưởng tốt, cho thấy các ưu đãi từ FTA cơ bản đã được ta tận dụng có hiệu quả, ví dụ như xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc,… Đặc biệt là kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường là thành viên CPTPP đạt mức tăng tốt, thể hiện bước đầu tận dụng hiệu quả các cam kết từ Hiệp định này để thúc đẩy xuất khẩu, đa dạng hoá thị trường xuất khẩu.
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tháng 8/2019 đạt 22,8 tỷ USD. So với cùng kỳ năm 2018, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 8 tăng 7,5%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 19,1%. Trong 8 tháng có 33 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 89,1% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Thương mại nội địa
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng đầu năm 2019 tiếp tục đạt tốc độ tăng cao so với cùng kỳ năm trước (11,5%), sức mua tiêu dùng tăng cao, lượng cung hàng hóa trên thị trường dồi dào, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người dân. Tính chung 8 tháng năm 2019, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Doanh thu bán lẻ hàng hóa 8 tháng đạt 2.444,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 76% tổng mức và tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 8 tháng năm nay chiếm 12% tổng mức và tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước.
Có thể nói, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tiếp tục duy trì mức tăng trưởng tốt, tạo tiền đề cho việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng cả năm 2019 ở mức 11,5-12%.
Giải pháp
Mặc dù kinh tế thế giới có nhiều biến động nhưng thị trường trong nước kinh tế vĩ mô vẫn phát triển ổn định, hợp tác và liên kết kinh tế, thương mại khu vực và liên khu vực tiếp tục được đẩy mạnh. Do vậy nhằm hạn chế rủi ro chiến tranh thương mại toàn cầu, hoàn thành mục tiêu được giao cho ngành Công Thương, tạo tiền đề phát triển cho các năm tiếp theo cần có giải pháp cụ thể cho những tháng cuối năm 2019.
Trong sản xuất công nghiệp cần tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; ưu tiên hoàn thành những công trình trọng điểm và mục tiêu then chốt, rà soát các dự án cần thiết để đảm bảo cung ứng điện, tiếp tục bám sát thị trường, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng và bảo vệ lợi ích của các ngành sản xuất trong nước.
Đối với hoạt động xuất khẩu và hội nhập quốc tế cần thực hiện đồng bộ và triển khai hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực, cam kết trong WTO và Cộng đồng kinh tế ASEAN. Tổ chức làm việc với các địa phương, Hiệp hội doanh nghiệp để phổ biến cam kết hội nhập, hỗ trợ các doanh nghiệp tận dụng Hiệp định tự do thương mại mang lại từ đó thúc đẩy giao thương, phát triển xuất khẩu, quảng bá thương hiệu nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp.
Đối với thị trường trong nước phải tập trung thúc đẩy thị trường trong nước để khai thác phục vụ nhu cầu trong nước đang dồi dào, xu hướng sẽ tăng cao ở những tháng cuối năm. Đẩy mạnh các giải pháp gắn kết giữa sản xuất với phân phối hàng hóa. Tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương theo dõi diễn biến cung, cầu hàng hóa, giá cả, thị trường trong nước. Nâng cao công tác quản lý thị trường, ngăn ngừa buôn lậu, gian lận thương mại, ngăn chặn hàng giảm hàng nhái, hàng kém chất lượng để bảo vệ sản xuất trong nước và quyền lợi người tiêu dùng.
Bên trên là báo cáo tình hình hoạt động ngành Công nghiệp và Thương mại của Bộ Công Thương trong 8 tháng đầu năm 2019.
Theo Anh Nguyễn – VBA